I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
Tiếp tục thực hiện nghiêm, có chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL theo Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Kế hoạch số 02-KH/TU ngày 06/11/2020 của Thành ủy thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 15/12/2020 về việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản pháp luật của Trung ương và Thành phố.
Đẩy mạnh công tác PBGDPL trong nhà trường, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật, tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, học sinh trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (MN, TH, THCS) trên địa bàn quận Hà Đông. Xây dựng nhà trường an toàn, không có cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm pháp luật.
Đảm bảo công khai, minh bạch thông tin liên quan đến pháp luật, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin liên quan đến pháp luật của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
2. Yêu cầu
Các hoạt động về tuyên truyền PBGDPL, theo dõi thi hành pháp luật ở từng cấp đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phù hợp với đối tượng, tránh hình thức, phô trương; kết hợp hoạt động nội khóa với hoạt động ngoại khóa; kịp thời nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Gắn tuyên truyền PBGDPL với việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2023 của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch bệnh của Thành phố; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Đông lần thứ XXI.
Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, nội dung, hình thức PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Lồng ghép hoạt động PBGDPL với các cuộc vận động và các phong trào thi đua lớn của ngành trong năm 2023.
Chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL trong nhà trường.
II. NỘI DUNG
Kịp thời phổ biến các quy định pháp luật mới liên quan đến GDĐT và các quy định pháp luật phù hợp với từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, học sinh. Phổ biến đầy đủ nội dung kiến thức pháp luật theo chương trình giáo dục đồng thời lồng ghép có hiệu quả nội dung PBGDPL theo các kế hoạch, chương trình, đề án của các cấp đối với học sinh. Trọng tâm tuyên truyền tập trung nội dung:
1.Truyên truyền PBGDPL về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy; phòng, chống tác hại của rượu, bia; phòng, chống tác hại của thuốc lá; phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, trật tự văn minh đô thị, an ninh, an toàn trường học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; Luật Giáo dục; Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng;… Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; Quy tắc ứng xử nơi công cộng; ứng xử khi tham gia môi trường mạng; những thông tin về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố; sử dụng các dịch vụ công mức độ 3, 4 lĩnh vực GDĐT
2.Tuyên truyền giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; gương người tốt việc tốt trong việc xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Cán bộ, công chức, viên chức Ngành Giáo dục Hà Đông phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động trong tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với việc thông tin, phổ biến pháp luật tới nhân dân; gắn phổ biến pháp luật với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ giáo viên môn Đạo đức, Giáo dục công dân và cán bộ phụ trách công tác PBGDPL, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục MN, TH, THCS, người làm công tác liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo.
3. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá trong học tập môn Đạo đức, Giáo dục công dân theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kiến thức pháp luật tại các trường học; tăng cường giải pháp sử dụng công nghệ, hình ảnh trực quan sinh động; khuyến khích lồng ghép, tích hợp nội dung, kết hợp giảng dạy pháp luật vào các môn khoa học xã hội.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai công tác PBGDPL cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả chuyên mục “Phổ biến , giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của Phòng GDĐT, của các trường MN, TH, THCS theo hướng liên thông, kết nối, lồng ghép, chia sẻ thông tin, tài liệu về PBGDPL trên môi trường mạng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả tạo thuận lợi khai thác, trao đổi thông tin pháp luật; khuyến khích các trường viết tin bài về các hoạt động tuyên truyền PBGDPL có hiệu quả, có sức lan tỏa gửi về Phòng GDĐT để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Phòng GDĐT Hà Đông, của Sở GDĐT Hà Nội.
5. Chú trọng xây dựng mô hình câu lạc bộ pháp luật trong trường học. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tọa đàm theo chuyên đề về giáo dục pháp luật; các hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi gắn giáo dục pháp luật với hình thành kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế. Tổ chức hiệu quả “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
6. Tiếp tục bổ sung các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác PBGDPL; phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học; sưu tầm hình ảnh, tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền PBGDPL trong chương trình chính khóa và ngoại khóa tai các cơ sở giáo dục.
7. Tiếp tục phối hợp với Ngành Tư pháp, Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác PBGDPL. Tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về pháp luật tại các nhà trường và cơ sở giáo dục. Tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Bộ GDĐT, thành phố Hà Nội phát động.
8. Tổ chức tự đánh giá, chấm điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo các tiêu chí được quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL
9. Thưc hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2022-2027. Các trường tuyên truyền, cung cấp những nội dung cơ bản của một số luật và văn bản dưới luật liên quan trực tiếp đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp quản lý về vai trò của PBGDPL trong nhà trường.
10. Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả công tác PBGDPL. Nhân rộng mô hình mới, cách làm hiệu quả, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác PBGDPL. Đưa nội dung tuyên truyền PBGDPL vào tiêu chí để xét thi đua.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Các trường MN, TH, THCS trên địa bàn quận Hà Đông xây dựng kế hoạch, lập dự toán và và bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên đã được phê duyệt cho từng đơn vị hằng năm để hoạt động. Các đơn vị chủ động, huy động thêm sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân theo quy định của pháp luật.
V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung tại Công văn số 3620/SGDĐT-VP ngày 28/10/2022 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế năm học 2022-2023 và các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này.
2. Thường xuyên cập nhật thông tin, văn bản luật; lựa chọn phổ biến các quy định pháp luật phù hợp với từng đối tượng cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh. Tuyên truyền các chủ trương, nội dung các văn bản luật liên quan đến cán bộ, giáo viên tại các hội nghị cán bộ chủ chốt từng cấp học, thường xuyên theo dõi, kịp thời xử lý phản ánh kiến nghị về tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực phụ trách. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả chuyên mục chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị theo hướng liên thông, kết nối, lồng ghép, chia sẻ thông tin, tài liệu về PBGDPL trên môi trường mạng. Định kỳ hằng tháng gửi tin bài hoạt động tuyên truyền PBGDPL tiêu biểu, có sức lan tỏa về Sở GDĐT Hà Nội..
4. Chỉ đạo các trường MN, TH, THCS triển khai hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; chỉ đạo làm điểm tại một trường THCS. Hằng tháng tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật” với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp.
5. Chỉ đạo các trường tiểu học, THCS thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật trong môn Đạo đức, Giáo dục công dân và các môn khoa học xã hội; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, giao lưu giữa các lớp tạo sân chơi tìm hiểu kiến thức pháp luật; động viên cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia xây dựng tiểu phẩm, sáng tác các phóng sự, câu chuyện giải quyết tình huống pháp luật mang ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần làm phong phú môi trường nghiên cứu, học tập pháp luật trong nhà trường; phát huy vai trò hỗ trợ của các tổ chức tham gia PBGDPL trong nhà trường. Tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Bộ GDĐT, thành phố Hà Nội, UBND quận và ngành GDĐT quận Hà Đông phát động.
6. Thực hiện rà soát, có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên môn Đạo đức, Giáo dục công dân, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL; khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia làm tuyên truyền viên pháp luật và tham gia vào PBGDPL cho nhân dân tại địa phương.
7. Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kiến thức pháp luật tại nhà trường. Chỉ đạo giáo viên bộ môn chú ý lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp lý, phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế.
8. Chỉ đạo các trường tiếp tục bổ sung các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác PBGDPL; phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dụng dạy học; sưu tầm hình ảnh, tư liệu phục vụ công tác PBGDPL. Phổ biến kinh nghiệm ở những nơi làm tốt công tác PBGDPL, nghiên cứu những mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng, nhân rộng.
9. Chỉ đạo các trường tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, giáo viên đầu mối về tuyên truyền PBGDPL, giáo viên chủ nhiệm lớp trong triển khai tuyên truyền PBGDPL cho học sinh. Huy động nguồn lực xã hội, phối hợp với ngành Tư pháp, Công an, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác PBGDPL.
10. Chủ trì, đôn đốc các trường MN, TH, THCS trên địa bàn quận triển khai thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL; chỉ đạo các trường gửi tin bài có hình ảnh tuyên truyền PBGDPL của đơn vị về Phòng GDĐT qua email: tothikimsa@gmail.com. Phòng GDĐT lựa chọn tin bài, hình ảnh để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Phòng GDĐT quận Hà Đông đồng thời báo cáo hoạt động PBGDPL của các trường MN, TH, THCS về Sở GDĐT Hà Nội theo kế hoạch. Triển khai các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về thi hành pháp luật liên quan đến các nhà trường. Công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tuyệt đối không để xảy ra thu, chi sai quy định hoặc các vấn đề vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến toàn ngành và để lại những dư luận không tốt trong xã hội.
2.Các trường MN, TH, THCS:
2.1. Thường xuyên cập nhật thông tin, văn bản luật; lựa chọn phổ biến các quy định pháp luật phù hợp với từng đối tượng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền PBGDPL thông qua loa truyền thanh, pa-nô, áp phích, tờ gấp, tranh cổ động; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của đơn vị, niêm yết tại bảng tin, phòng hội đồng. Bổ sung nâng cao chất lượng hoạt động của tủ sách pháp luật tại thư viện; từng bước xây dựng tủ sách pháp luật điện tử trong nhà trường.
2.2. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL; đăng tải video clip tuyên truyền về tiện ích và quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Trang thông tin điện tử của đơn vị (các đơn vị truy cập vào chuyên mục thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Ngành để tải về). Xây dựng và duy trì chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Trang thông tin điện tử của đơn vị. Lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật trong môn Đạo đức, Giáo dục công dân và các môn khoa học xã hội. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; giao lưu giữa các lớp tạo sân chơi tìm hiểu kiến thức pháp luật; phát huy vai trò hỗ trợ của các tổ chức tham gia PBGDPL trong nhà trường. Tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Bộ GDĐT, thành phố Hà Nội, UBND quận Hà Đông và Phòng GDĐT quận Hà Đông phát động.
2.3. Tổ chức thực hiện tháng cao điểm “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; lên kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày pháp luật; tổ chức tuyên truyền PBGDPL với các hình thức phong phú đa dạng, phù hợp.
2.4. Khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên viết sáng kiến kinh nghiệm về thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường.
2.5. Các trường MN, TH, THCS thường xuyên thực hiện tuyên truyền PBGDPL theo quy định; sau khi PBGDPL tới cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc PBGDPL tới học sinh nhà trường gửi minh chứng là các tin bài có chứa hình ảnh tuyên truyền PBGDPL của đơn vị về Phòng GDĐT quận Hà Đông theo chỉ email: tothikimsa@gmail.com.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Các trường MN, TH, THCS triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch này. Định kỳ báo cáo quý I, III trước ngày 06 tháng cuối quý; báo cáo 6 tháng trước ngày 01/5; báo cáo năm trước ngày 01/11; báo cáo các trường gửi về Phòng GDĐT quận Hà Đông theo địa chỉ: tothikimsa@gmail.com.
Phòng GDĐT định kỳ báo cáo Quý I, III trước ngày 10 tháng cuối quý; báo cáo 6 tháng trước ngày 05/5; báo cáo năm trước ngày 05/11 gửi về Sở GDĐT thành phố Hà Nội (qua Bộ phận Pháp chế, Văn phòng Sở, địa chỉ emai: vucongthang_sogddt@hanoi.gov.vn).
Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Ngành GDĐT quận Hà Đông năm 2023. Phòng GDĐT quận Hà Đông yêu cầu các trường MN, TH, THCS nghiêm túc thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị liên hệ trực tiếp với lãnh đạo phòng GDĐT để được phối hợp giải quyết./.